Chân dung | |
Vũ Hoàng Chương thấu thị lẽ vô thường Tâm Nhiên | |
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương sinh năm 1916, quê gốc Nam Định. Lớn lên ở Hà
Nội, đỗ tú tài 1937, Nho học, Tây học đều thông suốt, học Luật khoa nửa
chừng rồi bỏ. Có một thời làm kiểm soát sở Hỏa xa Đông Dương rồi cũng
bỏ, đi dạy học ở Thái Bình, Hải Phòng. Sống phóng khoáng giang hồ lãng
tử. Từ năm 1940 mới 24 tuổi đã xuất bản tác phẩm đầu tay Thơ say, gây
hào hứng bừng dậy một làn gió mới trong giới văn nghệ sĩ Hà thành lúc
bấy giờ. Sau đó lần lược ấn hành những tập thơ Mây (1943) Trương Chi
(1944) Thơ lửa (1947) Thằng Cuội (1952).
Đến năm 1954 Vũ Hoàng Chương rời bỏ Hà Nội, lên đường di cư vào Sài
Gòn, tiếp tục nghề dạy học và tất nhiên là viết văn làm thơ. Hòa nhập
nhanh chóng vào sinh hoạt văn nghệ miền Nam, ngay cuối năm 1954 đã cho
ra mắt liền thi phẩm Rừng phong tại Sài Gòn. Năm 1959 tập thơ Hoa đăng
đoạt giải nhất về thi ca. Cũng năm này, thi sĩ sang Bỉ dự hội nghị Thi
ca Quốc tế, rồi sang Thái Lan dự Văn bút Á Châu (1964) qua Nam Tư dự Văn
bút Quốc tế (1965). Từ năm 1969 đến 1973 Chủ tịch Trung tâm Văn bút
Việt Nam.
Ở Sài Gòn, Vũ Hoàng Chương có Gác Mây là nơi lui tới của anh em văn
nghệ bốn phương. Được thở bầu không khí tự do trên mảnh đất mới, khơi
dậy hồn thơ bẩm sinh vốn đa tình đa cảm, thi sĩ như nhập vào suối nguồn
sáng tạo trào tuôn lai láng nên nhiều thi phẩm tâm đắc ra đời như Tâm sự
kẻ sang Tần (1961) Cảm thông (1961) Trời một phương (1962) Lửa Từ bi (
1963 ) Ánh trăng Đạo lý (1966) Bút nở hoa đàm (1967) Cành mai trắng mộng
(1968) Ta đợi em từ ba mươi năm (1970) Ngồi quán (1971) Đời vắng em rồi
say với ai ? (1971) Chúng ta mất hết chỉ còn nhau (1973) và Ta đã làm
chi đời ta ? (1974).
Ta đã làm chi đời ta ? Là một tập hồi ký, nhà thơ kể lại chuỗi ngày
tháng lang thang lêu lổng với giới văn nghệ sĩ, những cuộc ngao du phiêu
bồng đây đó thời thanh xuân tuổi trẻ trước 1954 ở miền Bắc.
Vũ Hoàng Chương là một thi sĩ vĩ đại của văn học Việt Nam, một nhà thơ
trữ tình lãng mạn, chứa chan cả trời thơ đất mộng lung linh. Tình thơ
chất ngất bay cao vút tận đỉnh trời lồng lộng, ý thơ nồng nàn tha thiết,
cháy bỏng bao nỗi niềm rung ngân bất tuyệt những tiếng lòng vọng lên từ
sâu thẳm tâm tư.
Từ tính chất ưa tự do phóng đãng, thích phiêu lãng tang bồng, thi sĩ bỏ
xứ ra đi làm một gã phong trần với túi thơ bầu rượu ngất ngưởng nghêu
ngao. Thời tiền chiến ở miền Bắc, hình như phủ trùm lên một bầu khí hậu u
buồn thảm đạm sao đó, khiến cho hầu hết giới thanh niên trẻ tuổi đều
mang tâm trạng lạc lõng bơ vơ, đi mà chẳng biết đi về đâu giữa biển đời
lênh đênh không bờ bến :
Nhổ neo rồi thuyền ơi xin mặc sóng
Xuôi về Đông hay dạt tới phương Đoài
Xa mặt đất giữa vô cùng cao rộng
Lòng cô đơn cay đắng họa dần vơi
Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh
Bể vô tận sá gì phương hướng nữa
Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh
Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
Một đôi người u uất nỗi trơ vơ
Đời kiêu bạt không dung hồn giản dị
Thuyền ơi thuyền xin ghé bến hoang sơ
Men đã ngấm bọn ta chờ nắng tắt
Treo buồm cao cùng cất tiếng hò khoan
Gió đã thổi nhịp trăng chiều hiu hắt
Thuyền ơi thuyền theo gió hãy cho ngoan
Thuyền viễn xứ chèo qua dòng Suối mơ huyền ảo Văn Cao hay Con thuyền
không bến bềnh bồng theo Đặng Thế Phong là những cuộc lữ long đong của
cả một thế hệ bơ vơ, ngơ ngác chẳng biết về đâu giữa ngã ba đường. Đó là
buổi giao thời xung đột giữa cái cũ và mới, giữa Đông và Tây, giữa Cộng
sản và Tư bản. Cùng thời với Vũ Hoàng Chương có Quang Dũng, Hoàng Cầm,
Hữu Loan, Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Bính,
Tô Hoài, Thế Lữ… Hầu như trước sự bế tắt tâm tư thời đại, tất cả những
tâm hồn nhạy cảm ấy đều tìm đến men rượu say tình cho nguôi ngoai đi nỗi
sầu thế sự, Vũ Hoàng Chương cũng đắm chìm trong hương vị túy lúy cuồng
ca quá đỗi trằn trọc, quằn quại thê lương :
Trăng của nhà ai trăng một phương
Nơi đây rượu đắng mưa đêm trường
Ồ ! Đêm tháng sáu mười hai nhỉ
Tố của Hoàng ơi ! Hỡi nhớ thương
Là thế là thôi là thế đó
Mười năm thôi thế mộng tan tành
Mười năm trăng cũ ai nguyền ước
Tố của Hoàng ơi ! Tố của anh
Tháng sáu mười hai từ đấy nhé !
Chung đôi từ đấy nhé lìa đôi
Em xa lạ quá đâu còn phải
Tố của Hoàng xưa Tố của tôi
Men khói đêm nay sầu dựng mộ
Bia đề tháng sáu ghi mười hai
Tình ta ta tiếc cuồng ta khóc
Tố của Hoàng nay Tố của ai ?
Tay gõ vào bia mười ngón dập
Mười năm theo máu hận trào rơi
Học làm Trang Tử thiêu cơ nghiệp
Khúc Cổ bồn ca gõ hát chơi :
Kiều Thu hề Tố em ơi !
Ta đang lửa đốt tơi bời Mái Tây
Hàm ca nhịp gõ khói bay
Hồ xừ xang xế… bàn tay điên cuồng
Kiều Thu hề trọn kiếp thương
Sầu cao ngùn ngụt mấy đường tơ khô
Xừ xang xế xự xang hồ
Bàn tay nhịp gõ điên rồ khói lên
Kiều Thu hề Tố hỡi em
Nghiêng chân rốn bể mà xem lửa bừng
Xế hồ xang… khói mờ rung
Nhịp vương sầu tỏa năm cung ngút ngàn
Mang mang thiên địa sầu là một mối sầu thương khủng khiếp đoạn trường.
Phải chăng đó là điều thường xảy ra trong những cuộc tình du dương thắm
thiết của tài tử giai nhân ? Những cuộc tình si đầy chất tương tư ủy mị,
vì có thể làm cho người ta đi đến chỗ điên cuồng, tuyệt lộ, tự tử nếu
không có một lối thoát nào đó mở ra. Ở đây nhà thơ bế tắt chẳng biết ngõ
thoát nào hơn là say và say đắm đuối cho quên hết nỗi niềm :
Say đi em ! Say đi em !
Say cho lơi lả ánh đèn
Cho cung bậc ngả nghiêng điên rồ xác thịt
Rượu rượu nữa và quên quên hết
Ta quá say rồi
Sắc ngả màu trôi
Gian phòng không đứng vững
Có ai ghì hư ảnh sát kề môi
Chân rã rời quay cuồng chi được nữa
Gối mỏi dần rơi
Trong men cháy giác quan vừa bén lửa
Say không còn biết chi đời
Nhưng em ơi !
Đất trời nghiêng ngả
Mà trước mắt Thành Sầu chưa sụp đổ
Đất trời nghiêng ngả
Thành Sầu không sụp đổ em ơi !
Bức tường thành vách sương mù u mê ám chường đầy rêu phủ u sầu kia tuy
vô hình mà dữ dội kinh hồn, khiến cho người ta bị vây khổn, ngột ngạt
trong lùng bùng khủng hoảng, run rẩy sợ hãi, hụt hẩng chới với bởi những
trận gió từ sa mạc hư vô thổi đến một cách bất ngờ, không sao lường
trước được. Trước bao nhiêu sự việc biển dâu, nhà thơ đều im lặng chấp
nhận nhưng không thể bình thản, an tâm được khi tình yêu tha thiết đột
nhiên chấm dứt nửa chừng. Chao ơi ! Không biết vì sao cứ bàng hoàng,
thảng thốt, hỡi thuyền quyên thực nữ, hỡi thiên hương quốc sắc lặng lẽ
qua cầu. Rưng rưng tiễn biệt mà đau xót lòng :
Sóng dậy đìu hiu biển dấy sầu
Lênh đênh thương nhớ dạt trời Âu
Thôi rồi tay nắm tay lần cuối
Chia nẻo giang hồ vĩnh biệt nhau
Trai lỡ phong vân gái lỡ tình
Này đêm tri ngộ xót điêu linh
Niềm quê sực thức niềm quan ải
Giây lát dừng chân cuộc viễn trình
Tóc xỏa tơ vàng nệm gối nhung
Đây chiều hương ngát lá hoa dung
Sánh đôi kề ngọn đèn hư ảo
Mơ kiếp nào xa đã vợ chồng
Quán rượu liền đêm chuốc đắng cay
Buồn mưa trăng lạnh nắng hoa gầy
Nắng mưa đã trải tình nhân thế
Lưu lạc sầu chung một hướng say
Gặp gỡ chừng như truyện Liêu trai
Ra đi chẳng biết một ngày mai
Em ơi ! Lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai ?
Còn ai đâu mà bốc cháy, say sưa nữa, khi em là người yêu, người tình,
nàng thơ diễm tuyệt, là tri âm tri kỷ, chí cốt ruột rà nhất đã dứt áo ra
đi. Đi là đi mất đi biệt như đóa hoa vô thường rơi tàn tạ hương sắc
mong manh xuống vườn hồn tả tơi bao xác lá. Nhà thơ lãng mạn Vũ Hoàng
Chương đã trọn vẹn quăng ném hết tâm tình mình vào cuộc mộng tình yêu
kiều diễm, từng nốc cạn bầu rượu tình ái đến ly cuối mặn nồng bốc lửa
hoan say chuếnh choáng, chàng rộn ràng dấn bước nhập cuộc để khai triển,
khám phá hết những mối ưu tư thầm kín, những tình cảm nhiệt liệt thấm
thía trong tận đáy lòng sâu thẳm tâm linh.
Tình và tâm cùng hòa âm thâm cảm, giao hòa thấu suốt muôn chiều tim máu
sâu xa nên đã va chạm đến thần hồn vi diệu tuyệt trần Phật giáo. Thật
vậy, thi ca Vũ Hoàng Chương đã tìm được một lối thoát ngoạn mục, đã
phiêu nhiên bay vào phương trời bát ngát Tâm Thiền uyên áo, đóng góp một
phần rất lớn vào văn học Phật giáo Việt Nam qua ba thi phẩm sáng ngời
Lửa Từ bi, Ánh trăng Đạo lý và Bút nở hoa đàm đậm đà bản sắc nhân văn.
Trăng lòng uyên nguyên hiển lộ, long lanh lấp lánh vô ngần :
Phật có bàn tay dẹp bất bình
Cả ngàn con mắt chiếu vô minh
Chỉ đôi tai Phật sao nghe xiết
Tiếng khóc giờ đây của chúng sinh ?
Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển đại dương là một cách diễn đạt
sự thống khổ của nhân gian là vô số khổ lụy đoạn trường. Vậy bằng phép
lạ nhiệm mầu nào, Đức Phật có thể ra tay cứu độ hết tất cả mọi khổ đau,
trầm thống điêu linh của nhân loại được đây, hay phải tự mình chuyển
hóa, thăng hoa theo thể lệ “Tự mình thắp đuốc lên mà đi ?”
Lặng lẽ âm thầm, thi sĩ sớm bắt gặp Phật giáo Thiền tông và lãnh hội
được tinh túy của Thiền, cho nên hồn thơ đã chuyển sang hướng giải
thoát, phong quang sáng tạo chứ không còn chìm đắm trong men say rượu,
say tình như thời tiền chiến thuở xưa nữa. Cái thời buồn nôn, hư vô,
chán chường ấy đã xa như tiền kiếp, thi sĩ hồi sinh lại giữa ánh hào
quang Tuệ giác siêu việt của Hoa Nghiêm, Kim Cang, Bát Nhã quá độ vô
cùng vô tận, rạt rào vô lượng vô biên.
Tuyệt vời làm sao, khi thi sĩ nhập định, cất lên tiếng Nguyện cầu, lời
đại nguyện âm thầm thâm thiết, chuyển hóa thế giới nội tâm, thể hiện một
bước nhảy đáo bỉ ngạn sang bên kia bờ. Mở đầu bài thơ, thi sĩ nêu ra
một nghi vấn, một câu hỏi trọng đại trước lý vô thường, trước lẽ sinh tử
luân hồi của kiếp người giữa vũ trụ mênh mông :
Ta còn để lại gì không ?
Kìa non đá lở nọ sông cát bồi
Lang thang từ độ luân hồi
U minh nẻo trước xa xôi dặm về
Ta là ai ? Ta là kẻ nào trong cuộc lữ trăm năm ? Phải chăng ta là một
con người sinh ra lớn lên giữa cuộc đời : Làm việc, đấu tranh, dành dụm,
tích trữ vật chất và tinh thần, rồi cuối cùng tử thần vụt đến dẫn ta đi
vào hố thẳm u linh, kinh hoàng nơi cõi chết mịt mù tăm tối ? Chết là
chấm dứt hết tất cả mọi sự hay sao ? Thi nhân sững sờ tự hỏi : “Ta còn
để lại gì không ?” Khi mà “Kìa non đá lở nọ sông cát bồi”. Chới với
trước vạn vật đổi thay, đất trời thiên diễn, vô thường như thế, nhà thơ
sực thấy mình từ đời thuở nào đã xoay chuyển mãi trong vòng luân hồi
sinh tử u minh, mù mù phía trước, mịt mịt phía sau, làm kẻ phong trần
khách, lang thang như gã cùng tử giữa cuộc lữ muôn trùng… Giữa muôn
trùng cuộc lữ phiêu linh, một hôm bất ngờ bỗng sực thấy :
Trông ra bến hoặc bờ mê
Nghìn thu nửa chớp bốn bề một phương
Ta van cát bụi trên đường
Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này
Bờ bến nào huyễn hoặc, bến bờ nào vọng mê hỡi cõi hỗn độn phù du phủ
đầy hư ảo vô minh ? Khiến cho thi nhân trong giây phút nhập thần, chợt
thấy thiên thu trong một ánh chớp và bốn bề mười phương trong một giây
phút thực tại bây giờ.
Bây giờ và ở đây, cuộc lữ lại tiếp tục lên đường viễn xứ, nhưng từ đây
thi sĩ đã thoáng hiện thấy một cõi đi về cố quận ở bên trong tâm hồn vốn
trong xanh thanh tịnh. Đó là cõi quê lòng trong trẻo xanh biếc nguyên
sơ, chưa từng vướng mắc, ô nhiễm bụi phù trần, nên thi sĩ chân thành lên
tiếng tỏ bày, bộc bạch một cách thiết tha “Ta van cát bụi trên đường.
Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này.”
Đi trên con đường trần gian cát bụi, thôi thì đủ thứ xanh vàng đỏ
trắng, muôn màu nghìn sắc dẫy đầy vẻ hấp dẫn, quyến rũ, lôi cuốn ta vào
mê lộ, túy sinh mộng tử mang mang… Nếu không tỉnh thức thì sẽ bị cuốn
trôi theo đắm chìm giữa miền điên đảo, nhào lộn tồn sinh bức bách não
phiền, không lối thoát. Vì thế, dù dơ bẩn hay trong sạch, dù thiện lành
hay xấu ác… thì thi nhân vẫn không muốn vướng bận, không thích dính mắc
vào làm chi. Đó chính là bước đi xa lìa mọi đối đãi, vượt ngoài phân
biệt đúng sai, phải quấy, hơn thua, được mất… của thế giới nhị nguyên.
Biết thế nên thi sĩ thể hiện một cách sống mãnh liệt viên dung, sống
hết mình, trọn vẹn say sưa với ngọn lửa thiêng đang bừng cháy trong hồn.
Ngọn lửa thiêng từ cõi tâm bừng sáng chói lòa cả càn khôn vũ trụ, bay
lên rực rỡ huy hoàng tận đỉnh trời thiên thanh vĩnh thúy. Với trạng thái
xuất thần ấy, lời thơ lãng đãng đi về :
Để ta tròn một kiếp say
Cao xanh liều một cánh tay níu trời
Nói chi thua được với đời
Quản chi những tiếng ma cười đêm thâu
Con người đau khổ vì mãi đấu tranh, giành giật lẫn nhau theo kiểu sống
thực dụng, chiếm hữu cái lợi trước mắt, sẵn sàng tàn nhẫn, chà đạp, sát
hại người khác để giành lợi lộc về phần mình. Nhà thơ nhạy cảm, trực
thấy rõ sự nguy hiểm của cách sống bị điều động bởi tham lam, sân hận và
si mê ấy, nên có ý cảnh giác những đầu óc thực dụng, sống như máy móc,
chỉ biết tính toán, so đo được mất, hơn thua, giàu nghèo, phải trái…
theo kiểu ma quái lật lường, xuôi ngược hồ đồ tráo trở. Đó là loại người
rơi vào duy vật chủ nghĩa với quan niệm chết là hết, nên họ chủ trương
sống thỏa mãn tham dục, thỏa mãn những nhu cầu vật chất nông cạn mà
thôi. “ Nói chi thua được với đời. Quản chi những tiếng ma cười đêm
thâu.” Nói chi… quản chi… sá chi… những trò đời ma quỷ, oái oăm, nhà thơ
mỉm cười tịch nhiên bất động trong lặng lẽ xa lìa, viễn ly tất cả. Sá
gì mà chấp trước, vướng bận nhì nhằng làm chi cho mệt, phải không ?
Trên ngõ về quê quán cũ, chốn hồn tâm xanh biếc sơ nguyên của chính minh, nhà thơ mở rộng lòng ra một cách thành tâm :
Tâm hương đốt nén linh sầu
Nhớ quê dằng dặc ta cầu đấy thôi
Đêm nào ta trở về ngôi
Hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian
Một phen đã nín cung đàn
Nghĩ chi còn mất hơi tàn thanh âm
Luân hồi chấm dứt thì Niết Bàn hiện ra. Niết Bàn chính là cố quận đang
hiện hữu giữa trái tim mình, ngay trong lòng thanh tịnh của mình đây
thôi. Chỉ cần ta “hồi đầu thị ngạn” thì hoát nhiên triệt ngộ, chứng vào
cảnh giới Niết Bàn Diệu Tâm liền lập tức. Điều đó đã có nhiều người từ
ngàn xưa đến nay thực hiện được rồi, như các vị Bồ tát, thiền sư, nghệ
sĩ vĩ đại trên mặt đất.
Nhà thơ Vũ Hoàng Chương trên con đường trở về cố quận ấy đã từng giáp
mặt, chứng kiến biết bao bậc thiền sư, Bồ tát thị hiện giữa cuộc đời,
như vào tháng 6 năm 1963 tại Sài Gòn, ngọn lửa thiêng của Bồ tát Quảng
Đức bừng cháy lên rực trời trong đêm dài tăm tối vô minh làm sửng sốt,
bàng hoàng, đánh thức cơn u mê của chế độ bạo quyền Ngô Đình Diệm kỳ thị
tôn giáo, đang tàn bạo cố tình tiêu diệt tín đồ Phật giáo. Ngô Đình
Diệm cùng anh em gia đình trị độc tài theo Chúa Trời Thượng Đế, mê muội
làm tay sai nô lệ, thừa hành mệnh lệnh từ tòa thánh Vatican đàn áp đẫm
máu Phật giáo đồ Việt Nam.
Vô cùng rúng động trước ngọn lửa vô úy đầy tuệ giác sáng ngời của Bồ
tát Quảng Đức, thi sĩ xuất thần sáng tạo bài thơ Lửa Từ bi bất hủ, ngọn
lửa thiêng ấy sẽ còn cháy mãi đến muôn thuở thiên thu, vạn đại vĩnh hằng
:
Lửa ! Lửa cháy ngất Tòa Sen !
Tám chín phương nhục thể trần tâm
Hiện thành Thơ quỳ cả xuống
Hai Vầng Sáng rưng rưng
Đông Tây nhòa lệ ngọc
Chắp tay đón một Mặt Trời mới mọc
Ánh Đạo Vàng phơi phới
Đang bừng lên dâng lên
Ôi ! Đích thực hôm nay Trời có Mặt
Giờ là giờ Hoàng đạo nguy nga
Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt
Nhìn nhau tình huynh đệ bao la
Nam mô Đức Phật Di Đà
Sông Hằng kia bởi đâu mà cát bay ?
Thương chúng sinh trầm luân bể khổ
Người rẽ phăng đêm tối đất dày
Bước ra ngồi nhập định hướng về Tây
Gọi hết lửa vào xương da bỏ ngỏ
Phật Pháp chẳng rời tay
Sáu ngả luân hồi đâu đó
Mang mang cùng nín thở
Tiếng nấc lên ngừng nhịp Bánh xe quay
Không khí vặn mình theo
Khóc òa lên nổi gió
Người siêu thăng
Giông bão lặng từ đây
Bóng Người vượt chín tầng mây
Nhân gian mát rượi bóng cây Bồ Đề
Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc
Lụa hay tre nào khiến bút ai ghi
Chỗ Người ngồi : Một thiên thu tuyệt tác
Trong vô hình sáng chói nết Từ Bi
Rồi đây rồi mai sau còn chi ?
Ngọc đá cũng thành tro
Lụa tre dần mục nát
Với thời gian lê vết máu qua đi
Còn mãi chứ còn Trái Tim Bồ Tát
Gội hào quang xuống tận ngục A tỳ
Ôi ngọn lửa huyền vi
Thế giới ba nghìn phút giây ngơ ngác
Từ cõi vô minh
Hướng về Cực Lạc
Vần điệu của thi nhân chỉ còn là rơm rác
Và chỉ nguyện được là rơm rác
Thơ cháy lên theo với lời kinh
Tụng cho nhân loại hòa bình
Trước sau bền vững tình huynh đệ này
Thổn thức nghe lòng Trái Đất
Mong thành Quả Phúc về cây
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Đồng loại chúng con
Nắm tay nhau tràn nước mắt
Tình thương hiện Tháp Chín Tầng xây
Từ Thơ say đến Lửa Từ bi, Vũ Hoàng Chương đã đi một bước thượng thừa
hùng tráng, đầy ngoạn mục phi thường. Hồn thơ ăm ắp hơi thở hiện đại mà
vẫn giữ được truyền thống Đông phương trầm mặc. Cung bậc hào hùng từ
tiếng thơ ấy bay dậy luồng thanh khí như thắp lên ngọn lửa thơ rực hồng ý
niềm uyên tư từ ái :
Ai là người có cánh tay hào kiệt
Trong tương lai một sớm một chiều
Đủ sức hái cành hoa làm bút viết
Những vần Thương Yêu ?
Những vần thơ yêu thương cuộc sống đã có biết bao nhiêu người tiếp tục
viết và viết mãi trên tờ mây trắng thiên thanh hay giữa dòng đời mênh
mông mới lạ. Đó là những tâm hồn thênh thang sáng tạo, những bạn đồng
hành cùng thi sĩ như Nhất Hạnh, Bùi Giáng, Đông Hồ, Hoài Khanh, Quách
Tấn, Phạm Công Thiện, Phạm Thiên Thư, Trụ Vũ…
Tâm đắc tư tưởng tự tại an nhiên, tinh thần giải thoát sinh tử của
Thiền, thi sĩ tài hoa Vũ Hoàng Chương đã sống một cuộc đời tỉnh thức và
siêu thức giữa bao la pháp giới, chập chùng vũ trụ vần xoay :
Bao nhiêu hạt cát bến sông này
Đã bấy nhiêu ngàn thế kỷ nay
Ta vượt ngàn năm đường ánh sáng
Từ ngoài vô tận đến nơi đây
Đêm đêm ta dõi mấy từng cao
Tìm một không gian mới lạ nào
Lấp lánh Quê Trời thơ hẹn bến
Giam mình Quả Đất mãi hay sao ?
Nhân loại ra đi chẳng một lần
Hợp tan nào khác mảnh phù vân
Trên đà tốc độ siêu quang ấy
Một chuyến đăng trình một hóa thân
Khi thấu thị được lẽ huyền vi sâu xa đó thì thi nhân đâu còn lo sợ chi
những chuyện vô thường dâu bể nữa phải không ? Thôi thì chút cơ thể cát
bụi phù du đã hóa thân giữa trùng trùng bụi cát, rồi một mai hội đủ nhân
duyên mà tựu thành một sinh thể khác hoàn toàn mới mẻ, tinh khôi hơn.
Chỉ ngậm ngùi cho người ở lại mà thôi, như thiền sư Nhất Hạnh tiếc
thương thi sĩ Vũ Hoàng Chương bị chính quyền Cộng sản bắt giam đầu năm
1976 và đã ra đi vào cuối năm đó trong lặng lẽ ngậm ngùi :
Đêm này dù đã về ngôi
Hồn thơ vẫn thấy luân hồi thế gian
Bút hoa ngàn kiếp không tàn
Đuốc thơ còn cháy trên trang sử người
Có không mù mịt biển khơi
Nẻo về đã rạng chân trời thênh thang
Tỉnh say vẫn một cung đàn
Lửa anh hào đốt cháy tan đêm sầu
Thơ lên bay vút bồ câu
Triều âm chấn động phương nào chẳng nghe
Giấc mơ hồ điệp đi về
Biển Đông sóng vỗ kình nghê vẫn còn.
Thơ Vũ Hoàng Chương trích trong các tập Thơ say, Mây, Rừng phong, Lửa Từ bi, Bút nở hoa đàm.
|
|
Tâm Nhiên |
Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)