Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Giải Hoà bình Khổng Tử: khi triết gia bị gả bán

Tuấn Khanh
clip_image001
Trong cuộc đời của mình, Khổng Tử không có nhiều chuyện yêu đương, ngoại trừ là chuyện lấy vợ vào năm 19 tuổi, với thiếu nữ có tên là Nguyên Quan Thị. Thế nhưng vào thế kỷ 21, trong bàn tay của Bắc Kinh và giới tư bản thân chính quyền, Khổng Tử đáng thương trở thành người bị ép phải se duyên với nhiều nhà độc tài trên thế giới.
Khổng Tử, thánh nhân tư tưởng của các đời chế độ phong kiến nhà Hán. Ông mất năm 479 (trước Công Nguyên), để lại một di sản bền vững về bổn phận tận trung cho giai cấp cầm quyền, bất luận chế độ đó có mục nát hay tàn bạo đi nữa. Có lẽ vì vậy, chính quyền Bắc Kinh luôn muốn xiển dương quan điểm này, hủ bại hoá toàn bộ các thế hệ trẻ lớn lên trên đất nước Trung Quốc, rằng cách mạng, dân chủ hay thay đổi đều là xấu xa hoặc cần phải bị tuyệt diệt.
Năm 2010, khi Nobel Hoà Bình trao cho ông Lưu Hiểu Ba, một nhà tranh đấu cho nhân quyền và tự do, Trung Quốc đã tức giận và tuyên bố rằng giải thưởng này không công chính và “đã tạo ra 1,3 tỷ người bất đồng”. Ngay sau đó, hậu thuẫn cho giới doanh gia thân chính quyền, Bắc Kinh đã cho hình thành giải thưởng Hoà bình Khổng Tử – còn được ví von là Nobel Hoà bình Khổng Tử, nhằm đối chọi lại với giải Nobel Hoà bình hằng năm.
Đây cũng là giải thưởng có nhiều tai tiếng nhất, kể từ khi ra đời đến nay. Người nhận giải thưởng Hoà bình Khổng Tử đầu tiên là ông Liên Chiến, cựu phó tổng thống Đài Loan, đã từ chối sang Bắc Kinh nhận giải theo lời mời, hơn nữa, ông còn nói rằng chẳng biết gì đến giải thưởng gọi là “Hoà bình Khổng Tử” này.
Nhưng từ sau mùa giải đầu tiên mang tính “rửa mặt” này, Nobel lập tức phát huy vai trò công cụ chính trị của mình. Năm 2011, Khổng Tử kết duyên với Tổng thống Nga, nhà độc tài đầy mưu lược Vladimir Vladimirovich Putin. Năm 2014, giải thưởng này trao cho Fidel Castro, với lý do là hơn 70 năm tham quyền cố vị ở Cuba, ông ta đã yêu hoà bình, không sử dụng vũ lực với Hoa Kỳ.
Lịch sử ngắn ngủi của giải Hoà bình Khổng Tử có một điều đáng ghi nhớ: đa phần người nhận giải đều im lặng và không đến nhận giải. Ngoài cựu tổng thống Đài Loan Liên Chiến chối bỏ, còn có cựu tổng thư ký LHQ Kofi Annan, Chủ tịch Fidel Castro, tổng thống Putin cũng không đến nhận giải.
Nhưng giải thưởng Hoà bình Khổng Tử năm 2015 mới thật sự là một cuộc tranh cãi dữ dội, khi Bắc Kinh dắt tay nhà Triết học vĩ đại của mình gả bán cho gã độc tài lừng danh ở châu Phi, tổng thống Robert Mugabe. Ngay khi giải thưởng này được công bố bởi Trung tâm Nghiên cứu hòa bình quốc tế của Trung Quốc (viết tắt là CIPRC), khắp nơi đã xôn xao về sự kiện này, đa phần là mỉa mai và nhạo báng.
Lionel Jensen, một giáo sư về ngôn ngữ và văn hóa tại Đại học Notre Dame (Úc) nói trên tờ The Christian Science Monitor rằng việc “trao giải thưởng Mugabe, tức là tự làm nhục và hết sức coi thường di sản văn hóa của Trung Quốc.”
Là một học giả nghiên cứu về Khổng Tử như ông Lionel Jensen, ông Daniel Bell, nhà tư tưởng hàng đầu về giá trị của Trung Quốc và châu Á tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh nói rằng “Khổng Tử xác định điều tối thượng mà chính phủ cần đảm bảo điều kiện cho các phúc lợi vật chất của người dân, sau đó giáo dục cho họ.” Giáo sư Bell, tác giả của nhiều nghiên cứu về Trung Hoa cho biết thêm rằng, “So với triết lý Khổng Tử, Mugabe đã làm điều ngược lại.”
Tờ Huffington Post tường thuật lại bình luận của giới trí thức qua Twitter, và tổng kết rằng, hầu hết cùng quan điểm với nhau rằng nếu cứ theo tiền lệ này, khả năng chiến thắng của năm tới là Kim Jong-un của Bắc Triều Tiên. Các ý kiến khác còn vui đùa thêm rằng buổi lễ có thể sẽ diễn ra tại The Hague, Hà Lan, Tòa án Quốc tế.
Bắc Kinh ngợi ca Tổng thống Mugabe là đã “giữ được ổn định khu vực và phát triển kinh tế”. Có thể đó là lý do Bắc Kinh trao giải cho ông ta nhưng Robert Mugabe thì được thế giới biết đến nhiều nhất bởi vi phạm của ông về nhân quyền, bao gồm cả các vụ thảm sát hơn 20.000 người dân ở các tỉnh Matebeleland và Midlands trong năm 1980 để giữ gìn chế độ. Sức mạnh cai trị của Mugabe ở Zimbabwe là ám sát, đàn áp, tra tấn và dùng nhân viên an ninh mặc đủ loại thường phục để trấn áp mọi ý kiến bất đồng.
Zimbabwe là quốc gia lừng danh về sản xuất kim cương, nhưng mỗi viên kim cương xuất đi từ quốc gia này, đều thấm máu của người lao động hay nước mắt của người dân nghèo phải mang vác món nợ công bởi sự hoang phí của giai cấp cầm quyền.
Năm 2005, bộ phim “The Interpreter” do diễn viên Nicole Kidman và Sean Penn thủ vai, nói về một nhân vật hư cấu có tên là Edmond Zwanie. Câu chuyện rất giống cuộc đời của ông Mugabe, từ một giáo viên ăn nói nhỏ nhẹ đi làm cách mạng, đã hóa thành bạo chúa. Sau khi coi bộ phim này, ông Mugabe đã hành động y hệt như Chủ tịch Kim Jong-un, tức là tuyên bố bộ phim do “CIA tài trợ” nhằm âm mưu lật đổ ông. Phim The Interpreter ở Zimbabwe hay The Interview ở Bắc Hàn cũng bị cấm lưu hành như nhau, và bị gọi tên là “âm mưu chống lại chính quyền của nhân dân”.
Nhưng vì sao Trung Quốc lại háo hức trao tặng giải thưởng mà họ cho là cao quý nhất cho nhà độc tài Mugabe, bất chấp dư luận? Câu trả lời mang tính nguyên tắc vĩnh cửu là: Bắc Kinh không bao giờ làm gì mà không có lợi cho mình. Mối giao hảo của Zimbabwe và Trung Quốc ngày càng đậm sâu hơn, kể từ chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 5 ngày của Mugabe vào năm 2014. Các báo cáo tài chính được Forbes tiết lộ, cho biết đầu tư của Trung Quốc tại Zimbabwe đã vượt lên hơn 600 triệu USD, nhiều hơn bất kỳ quốc gia châu Phi khác. Và mối giao hảo này được gắn kết rõ hơn thông qua ít nhất hai công ty Trung Quốc, là Anjin Investment và Tế Nam để khai thác, điều hành mỏ kim cương Marange cực kỳ quý báu của Zimbabwe.
Trong cuộc chơi chính trị, kinh tế, văn hoá… của các quốc gia lớn, Trung Quốc cũng muốn góp mặt mình vào đường đua của các nước phát triển, kể từ khi kinh tế của họ phất lên. Giải Hoà bình Khổng Tử là một ví dụ. Khi gã nhà giàu mới nổi nghĩ rằng mình có tất cả, đôi khi họ cũng cần có chút thời gian để thảng thốt nhận ra rằng thịnh vượng không đồng nghĩa là có được cả văn hoá. Minh chứng cụ thể nhất, là khi họ sẵn sàng gả bán văn hoá của dân tộc mình để đổi lấy chút leng keng tạm bợ của đồng tiền.
T. K.
 http://boxitvn.blogspot.com.tr/2015/10/giai-hoa-binh-khong-tu-khi-triet-gia-bi.html

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

Về chương trình “Giai điệu tự hào” tháng 9-2015 (Bâng khuâng tháng 9) (Nguyễn Thượng Long)

“…Bên cạnh những nhạc sĩ, ca sĩ, văn nô, bồi bút…miễn là có tiền, vẫn còn có những trí thức văn nghệ sĩ như nhạc sĩ Quốc Trung và MC nổi tiếng Tạ Bích Loan. Trời Nam vẫn còn có những con người dũng cảm và trung thực như thế…”



Về chương trình “Giai điệu tự hào” tháng 9-2015 (Bâng khuâng tháng 9) (Nguyễn Thượng Long)


Những ngày này, với những ai còn chút ưu thời mẫn thế không thể không có những bâng khuâng, trăn trở rằng: Sau 85 năm ĐCS hiện diện trên mảnh đất đau khổ này (1930 – 2015) với 11 kỳ đại hội, đại hội đảng cộng sản lần thứ 12 sắp tới không biết sẽ có những đột phá chiến lược nào có thể làm thay đổi vận mạng chẳng ra gì của dân tộc mình không?

·  Không biết  chủ nghĩa Mác – Lê ở Việt Nam có còn là vô địch trong khi nó đã phá sản hoàn toàn trên phạm vi thế giới?

·  Không biết tên đảng có còn tính từ Cộng Sản nữa không, khi mà lý tưởng cộng sản đã bị thế giới văn minh chứng minh là ảo tưởng, thậm chí còn là nguồn gốc của tội ác và đã từ lâu bị các dân tộc văn minh ném vào sọt rác của lịch sử…?

·  Không biết đảng có còn duy trì Điều 4 Hiến Pháp để nắm giữ độc quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong tư cách của một thực thể chính trị siêu quyền lực phủ trùm lên Nhà Nước – Chính Phủ - Quốc Hội và ôm trọn cả Tứ Quyền (Lập Pháp – Hành Pháp – Tư Pháp – Thông tin báo chí)?

·  Không biết đảng có còn lấy “Sở hữu quốc doanh” và coi“Định hướng XHCN” là chủ đạo nữa không, trong khi nó được chính thực tế Việt Nam ngày ngày chứng minh đây chính là mảnh đất mầu mỡ của tham nhũng, chia chác, xin cho, thua lỗ, nợ nần, lạm phát…và là sân chơi riêng của các đại gia tư bản đỏ trong các nhóm lợi ích?

·   Không biết ĐCS Việt Nam sẽ thoát Trung thế nào khi lá bùa“16 chữ vàng và 4 tốt” của người Tầu vẫn được ngự trị ở vị trí trang trọng trong các mối bang giao quốc tế của đảng?

Trong khi những câu hỏi trên chưa có câu trả lời, tất cả vẫn còn là ẩn số thì những gì đã diễn ra ở hàng loạt các đại hội đảng cơ sở của các Tỉnh Thành – Huyện – Xã – Ban ngành trên cả nước đã làm người ta thất vọng khi vẫn thấy chân dung Mác – Lê vẫn ngự trị cùng với búa liềm và tượng bán thân ông Hồ, người đã đưa rước những tư tưởng của các ngoại nhân xa lạ này đến với dân tộc Việt Nam, một dân tộc có bản chất hiền hòa và hướng nội này…Như vậy hóa ra tất cả vẫn là “NGUYỄN Y VÂN” hay sao? Dân tộc này có tội lỗi gì trong tiền kiếp mà ngày được thoát u, thoát mê để tìm đến dân chủ như Đông Âu và Nga Xô cộng sản lại còn xa vời đến thế. Mọi khẳng định lúc này vẫn còn quá sớm và tất cả vẫn chỉ là phỏng đoán.

Nhưng… đâu có phải ai ai trong chúng ta cũng mê lú và run rẩy mãi trong sợ hãi, chấp nhận sống mà như chết giữa thế giới đầy biến động này. Chương trình “GIAI ĐIỆU TỰ HÀO THÁNG 9 – 2015” của VTV1 diễn ra vào tối 25/9 vừa qua đã làm không ít người giật mình, ngơ ngác khi lần đầu tiên hình tượng Lenin hoàn toàn vắng bóng. I-lích vĩ đại, sư phụ của ông Hồ hoàn toàn không có chỗ đứng trong đêm nhạc Nga tuyệt vời này. Trong 7 ca khúc Nga nổi tiếng được thể hiện, không có bài “Đỉnh núi Lenin” ngỡ làbất hủ, một thời sống động cùng nhiều thế hệ người Việt Nam, trong đó có thế hệ U70 – U80 chúng tôi. Bảy ca khúc Nga được chọn ra để luận bình, thưởng lãm hôm đó là: “Chiều hải cảng”,”Đôi bờ, “Chim họa mi đừng hót, “Cây Thùy Dương”, “Thời thanh niên sôi nổi”, “Giờ này anh về đâu”,và cuối cùng là“Chiều ngoại ô Moskva”, thường được thế hệ chúng tôi gọi tắt là “Chiều Moskva” lừng danh một thời.

Tôi biết bài “Đỉnh núi Lenin” từ giữa những năm 1960 của thế kỷ 20. Những người thầy dậy đại học của tôi từ Liên Xô trở về đã dậy cho chúng tôi hát bài hát này. Tôi cũng mang bài hát này đến những mái trường heo hút nằm trên miền cao Lạc Sơn – Vụ Bản - Hòa Bình suốt thập kỷ 1970. Trong một thời gian dài, mỗi khi nghe và cả mỗi khi hát ca khúc này là  một lần thầy trò chúng tôi cùng như bị rơi vào trạng thái nhập đồng khi nghĩ về “Thiên Đường Xô Viết”, nơi mà dù có phải đốt cháy cả đất nước này“Đảng” và “Bác” vẫn không thôi hướng dân tộc tìm đến.

Đỉnh núi Lenin (Nhạc:I. Miliutin – Lời: E. Đônmatôpxki)

“Bạn ơi đi với tôi, lên đỉnh núi khi trời chiều.
Đỉnh non của Lenin, lòng chan chứa tình yêu.
Bạn ơi ta ngó sang ,Thành Mạc Tư Khoa bên kia đồi.
Từ trên đỉnh núi cao, nhìn rộng đến chân trời,
ĐK: Kìa bao nhà máy, khói loang ngợp trời,
như áng mây chiều. Đẹp xinh rực rỡ
Ngôi sao đỉnh tháp Kremlanh.
Tỏa ánh hy vọng, ngôi sao rực chiếu bao niềm tin.Bạn ơi Mạc Tư Khoa thành phố hòa bình…”.
Có thể nói chính ca khúc này đã góp phần làm thế hệ U70, U80 chúng tôi thêm thấm đẫm tinh thần Nga từ đầu đến chân nên không ai có thể nghĩ lại có ngày Đông Âu cộng sản và LBCHXHCN Xô Viết (CCCP) sụp đổ tan tành nhanh đến thế. Chính nhờ sự bùng nổ thông tin của Internet mà cả nhân loại giờ đây đã biết… chỉ vì “Đấu tranh giai cấp”, “Bạo lực cách mạng” và“Chuyên chính vô sản”, những lời cửa miệng của Lênin lúc sinh thời mà nhiều chục triệu người trên thế giới, nhiều triệu người Việt Nam phải chết tức tưởi vì CCRĐ, vì chiến tranh loạn lạc …nên việc Liên Xô đột ngột tan vỡ và nước Nga sau ngót trăm năm dưới bóng Lênin nay lại có bộ dạng nhếch nhác như thế này và tượng đài Lênin bị giật đổ ở nhiều nơi trên thế giới là tất nhiên, là điều bình thường, là nhân quả, là cái giá phải trả mà thôi.

Tôi nghĩ rằng việc loại bỏ bài “Đỉnh núi Lenin” ra khỏi chương trình nhạc Nga hôm đó hoàn toàn không phải là một quyết định nông nổi và vô tình. Bằng quyết định đó,“Giai điệu tự hào”đã đưa ra thông điệp  mang tính thời đại thật sâu sắc rằng: “Chúng tôi vì đảng mà đã từng yêu mến nước Nga, đã từng si mê tâm hồn Nga…không có nghĩa là chúng tôi mãi mãi phải mù quáng, hạ mình trước  những giá trị không có thật, những thần tượng ảo”, thế thì trạng thái nhập đồng của thế hệ chúng tôi ngót nửa thế kỷ trước khi hát “Đỉnh núi Lenin” chỉ là những ảo giác đáng thương, những hoang tưởng thật thảm hại.

Bên cạnh việc loại bỏ bài hát “Đỉnh núi Lê nin” ra khỏi đêm nhạc Nga của mình, chương trình Giai điệu tự hào tháng 9 – 2015” còn diễn ra cuộc đụng độ không tiền khoáng hậu giữa một bên là “Hội đồng già” trong đó có những gương mặt lừng danh bảo thủ như Phó GS - TS Đào Duy Quát nguyên phó ban tuyên giáo TW, nguyên TBT trang web ĐCS Việt Nam, như PGS - TS Nguyễn Thị Minh Thái, cây lý luận mỹ học khét tiếng đành hanh và bảo thủ trong tranh luận…với một bên là “Hội đồng trẻ” với những gương mặt điển hình như nhạc sĩ nổi tiếng Quốc Trung, MC nổi tiếng Tạ Bích Loan… Điều thống nhất đến tuyệt đối ở cả 2 hội đồng là tất cả họ đều là những người đã từng sống, học tập và làm việc nhiều năm ở Nga và họ cùng coi Liên Xô trước kia và Nga là tổ quốc thứ 2 của họ.

Ngoài những lời bình luận du dưa, đưa đẩy có tính vô thưởng vô phạt của cả 2 hội đồng, thì đỉnh điểm đáng chú ý nhất của cuộc đụng độ tập trung vào bài “Đôi Bờ” phiên âm theo tiếng Việt là“Đơvaberega”. Tên gốc của bài hát là “Pesnhia Masi” (Bài hát của Masa), nhạc của A.Espai, lời của G.Pôgienhian. “Đôi Bờ” là bài hát trong phim “Khát” xuất hiện lần đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam trong những năm đầu 1960. Phần nhạc được ký âm vô cùng đơn giản chỉ có nốt đen và nốt trắng. Nội dung bài hát này mô tả một cuộc tình vô vọng giữa một cô gái với một chiến sĩ hồng quân. Người chiến sĩ hồng quân đó được cài vào hàng ngũ phát xít, còn cô gái gia nhập đội du kích. Người chiến sĩ hồng quân đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Dù đã biết người yêu của mình không còn nữa, cô vẫn cứ vò võ đợi chờ trong khổ đau. Lời Tiếng Việt của bài hát này đã bỏ hết những câu bi lụy, rã rời… chỉ giữ lại những lời mượt mà, chung thủy, tràn đầy thương yêu của những lứa đôi phải sống trong xa cách và đợi chờ.

Đôi Bờ

“Đêm dài qua dưới mưa rơi, em mong chờ anh  tới.
Cây cỏ hoa như nói lên lời, em hạnh phúc nhất đời.
Lòng em tin thắm thiết yêu anh, giữ tình đôi lứa ta.
Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa.”

Ngay sau khi ca sĩ hát bài “Đôi Bờ” dừng lời, PGS. TS Đào Duy Quát đăng đàn, chém gió vùn vụt khi ông khoe: “Tháng trước tôi mới đi Nga về, gặp cựu thứ trưởng văn hóa Nga, được đón tiếp và chiêu đãi ca nhạc. Tôi nghe ông ấy kể say mê về bài hát “Đôi Bờ”… đại ý là:

“Sau chiến thắng phát xít 1945, chính phủ Liên Xô đã truy tặng danh hiệu anh hùng cho chàng trai là người chiến sĩ hồng quân đã hy sinh đó. Nhưng…buồn thay! Cả gia đình anh cũng đã chết hết vì chiến tranh, không còn ai có thể đứng ra nhận danh hiệu đó, nên chính quyền đem tặng cho cô người yêu của anh ta và tất cả cùng ùa đến chúc tụng người phụ nữ đau khổ này bằng lời ca “Em hạnh phúc nhất đời…”.

Nhạc sĩ Quốc Trung, thành viên của “Hội đồng trẻ”, với nét mặt đăm chiêu, đầy những căng thẳng vì phải kìm nén, nhưng lại dùng ngôn ngữ rất khiêm nhường để đáp lại lời của một bề trên về mọi phương diện:

“Tôi không đồng ý nhận xét rằng, cô gái ấy là hạnh phúc nhất trên đời. Người phụ nữ bình thường nào trên đời cũng cần phải có chồng để cùng gây dựng hạnh phúc. Người ta đã coi một cô gái mất người yêu khi nhận danh hiệu anh hùng thay cho người yêu là“Em hạnh phúc nhất đời”… ca ngợi như thế là phản nhân văn…”

Khán phòng như lặng đi trước bình luận rất ôn tồn và đích đáng của nhạc sĩ Quốc Trung. Ông lớn Đào Duy Quát, người hùng tuyên giáo một thời tái mặt, chỉ còn biết lơ láo, nhìn trần nhà và chết lặng.

Thật bất ngờ và không may cho đức ông Đào Huy Quát, MC nổi tiếng du học báo chí ở Nga về, người mà tên tuổi gắn liền với cuộc chiến chống gian dối trong thi cử của Hà Tây cũ những tháng năm 2005 – 2006 …chị thản nhiên góp lời:

“Tôi vừa mới gặp chị Lavrenev Anna, giám đốc trung tâm khoa học và Văn hóa Nga ở Hà Nội. Tôi hỏi chị có biết bài “Đôi Bờ”không? Chị ấy nói bây giờ đến Việt Nam mới biết đấy. Chị Anna nói tiếp rằng nước Nga bây giờ, những bài hát ấy người ta quên hết rồi. Người trẻ cũng chẳng ai biết”…”…”Người ta chỉ nhớ khi người ta muốn nhớ. Khi người ta thích thì người ta xây dựng thành huyền thoại”.
Trường quay lại một lần nữa chết lặng, cả 2 MC của chương trình không giấu được vẻ lúng túng. Đức ông tuyên giáo một thời như ngồi phải tổ kiến lửa vẫn cố đấm cãi chày cãi cối lấy được: “Thông tin đó không đúng đâu”, lại khoe: “Tháng trước tôi dẫn một đoàn công tác qua Nga, dự cuộc chiêu đãi, được xem một ca sĩ 60 tuổi hát  và 3 chàng trai 18 tuổi hát nữa”.(Hic)


MC Tạ Bích Loan và tác giả bài viết này trong đêm 9/1/2007,
đêm bình chọn Người Đương Thời được yêu thích nhất 2006

Thật đáng buồn cho PGS/TS nguyên phó ban tuyên giáo TW Đào Duy Quát lúc nào cũng súng sính Mác – Lê đầy mình, đầy túi lại không hiểu được rằng, người ta mở tiệc, để đào kép hát hò đãi đằng ông chứ đâu có phải người dân Nga nào hôm nay trong đời sống thường nhật vẫn còn hát bài này. Cái ông ca sĩ Nga 60 tuổi và 3 cậu bé Nga 18 tuổi hôm đó hát “Đôi Bờ” thì có khác gì đâu“Giai Điệu Tự Hào” để 3 ca sĩ già Trần Hiếu, Trung Kiên, Quang Thọ hát “Chiều trên bến cảng” và cô ca sĩ còn quá trẻ, tôi không nhớ tên đã hát bài “Đôi Bờ”…chứ  đâu có phải thanh niên và ông già Việt Nam nào đã sống đến thời @ rồi mà vẫn còn ngẩn ngơ, lãng đãng, vấn vương và “Phiêu cùng những bài hát này!

Những tưởng trên đất nước khổ đau và bất hạnh này, dân tộc đã hoàn toàn liệt kháng. Nhưng với việc loại bỏ bài hát “Đỉnh núi Lenin” ra khỏi chương trình “Giai điệu tự hào”, theo dõi cuộc tranh luận giữa nhạc sĩ  Quốc Trung cùng MC Tạ Bích Loan với đức ông tuyên giáo Đào Duy Quát ta thấy những khát vọng đòi sòng phẳng, minh định lại nhiều giá trị cơ bản, đòi gọi tên đúng cho những sự vật, sự việc, sự kiện méo mó trong quá khứ dù đã phủ dầy vết bụi của thời gian, vẫn đang là những cơn sóng ngầm không thể phủ nhận.

Qua chương trình “Giai điệu tự hào tháng 9 – 2015” này, theo tôi lời phản biện của nhạc sĩ Quốc Trung đã làm vợi bớt đi những nỗi đau đời mà nhiều triệu người phụ nữ Việt Nam có chồng, người yêu đã chết trong các cuộc chiến tranh tàn khốc trong quá khứ, đang phải sống cô đơn trong quyên lãng. Cộng đồng“NGƯỜI ĐƯƠNG THỜI” của VTV3 Đài truyền hình Việt Nam ngày nào có thể tự hào vì có người cầm cờ dũng cảm và trung thực là MC Tạ Bích Loan, kiên quyết không nói điều ngược ngạo.

Người đời thường than vãn nước Nam giờ đây: “Tuấn kiệt như sao buổi sớm / Nhân tài như lá mùa thu” (NT), và “Thạch Sanh thì ít – Lý Thông thì nhiều”. Bên cạnh biết bao những tấm gương yêu nước nhiệt thành thì đất nước cũng đã từng bao phen ê chề vì những gương mặt mốc như Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc, Mạc Đăng Dung, Hoàng Văn Hoan và danh sách loại này còn nối dài ở xã hội Việt Nam đương đại…thì chương trình “GIAI ĐIỆU TỰ HÀO 9 – 2015” diễn ra vào tối 25/9/2015 trên VTV1 Đài truyền hình Việt Nam đã cho chúng ta một hy vọng: Bên cạnh những nhạc sĩ, ca sĩ sẵn sàng hạ mình sống kiếp cầm ca, những trí thức, nhà văn, nhà báo sẵn sàng chấp nhận thân phận trí nô, văn nô, bồi bút…miễn là có tiền, vẫn còn có những trí thức văn nghệ sĩ như nhạc sĩ Quốc Trung và MC nổi tiếng Tạ Bích Loan. Trời Nam vẫn còn có những con người dũng cảm và trung thực như thế… tôi nghĩ rằng: Chúng ta không tuyệt vọng.

Vận nước rồi sẽ qua cơn “Bĩ Cực” để đến ngày “Thái Lai”, tôi vững tin vào những điều như vậy.     
                                                      
Hà Đông tháng 10/2015
Nguyễn Thượng Long

Nguyên giáo viên Địa Lý Hòa Bình – Hà Tây, “NĐT” GD – ĐT năm 2006.
Nơi ở: Số nhà 4 - Ngách 102/12 Văn La –  Phường Phú La – Hà Đông – Hà Nội.
ĐT: 0433521066 & 01652323836
Email: nguyenthuonglong571@gmail.com

Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015

Được mùa 'con cháu ông cha'

Những ngày qua, và nhất là hôm nay 16.10, khi Đại hội Đảng bộ một số tỉnh thành bế mạc và công bố Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới, dư luận đặc biệt quan tâm đến những người trẻ tuổi được bầu vào những ghế “nóng”, nhất là Bí thư và Phó bí thư.
Có thể nói, nhân vật được sự chú ý nhất hôm nay là một người rất trẻ so với cương vị Bí thư Đảng bộ của một thành phố lớn hàng đầu cả nước, là ông Nguyễn Xuân Anh.
Theo báo điện tử Một Thế Giới, Đại hội Đảng bộ TP.Đà Nẵng ngày 16.10 đã bầu ông Nguyễn Xuân Anh, Phó bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng giữ chức Bí thư, thay ông Trần Thọ. Báo cũng khẳng định rằng đến thời điểm này, có thể nói ông Nguyễn Xuân Anh là vị Bí thư Thành ủy trẻ nhất nước.
Ông Nguyễn Xuân Anh, tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (Ảnh: Báo Tuổi Trẻ)
Ông Nguyễn Xuân Anh, tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (Ảnh: Báo Tuổi Trẻ)
Ông Nguyễn Xuân Anh sinh năm 1976, trình độ tiến sĩ quản trị kinh doanh. Ông là con trai của nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Nguyễn Văn Chi. Ông Nguyễn Xuân Anh từng công tác tại báo Thanh Niên (hồi cùng chung cơ quan, tôi rất quý ông ấy và ông ấy cũng quý tôi bởi chung tính thẳng thắn), là Trưởng ban Quốc tế, sau đó chuyển về Đà Nẵng làm Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư TP.Đà Nẵng, Phó chủ tịch thường trực UBND quận Liên Chiểu, Phó bí thư rồi Bí thư Quận ủy Liên Chiểu. Ông được điều động giữ chức Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng trước khi làm Phó bí thư Thành ủy.
Cũng trong Đại hội Đảng bộ TP.Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020, một nhân vật trẻ khác được dư luận rất quan tâm là ông Nguyễn Bá Cảnh. Sinh năm 1983, ông Nguyễn Bá Cảnh, con trai của cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh, đã được Đại hội bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ TP.Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020.
Ông Nguyễn Bá Cảnh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Đà Nẵng
Ông Nguyễn Bá Cảnh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Đà Nẵng

Ông Cảnh tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng, du học ở Anh, lấy bằng thạc sĩ quản trị công. Trở về công tác tại Đà Nẵng, ông từng giữ chức vụ Phó bí thư thường trực Thành đoàn từ cuối năm 2011. Hiện ông làm Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng.
Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của cả nước, những thông tin từ các Đại hội Đảng bộ tỉnh thành được người dân hết sức chú ý. Sự quan tâm ấy không phải chỉ bởi họ muốn biết ai sẽ là người đứng đầu bộ máy lãnh đạo ở địa phương mà còn tò mò muốn biết những con ông cháu cha nào sẽ nối gót cha anh mình. Chính vì vậy, khi Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang công bố danh sách Ban Chấp hành mới, các cơ quan báo chí và nhân dân đã nhắc nhiều đến một nhân vật trẻ, ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang, đạt 226/320 phiếu, xếp thứ 49/52 ứng viên được bầu.

Ông Huỳnh Thanh Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Hậu Giang
Ông Huỳnh Thanh Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Hậu Giang
Ông Huỳnh Thanh Phong sinh ngày 23.12.1982, vào Đảng ngày 22.2.2012,  cử nhân ngành tài chính, tín dụng. Trước khi làm Giám đốc Sở Công Thương, ông Phong từng giữ chức Trưởng phòng Tín dụng, Quỹ đầu tư và phát triển tỉnh Hậu Giang, được bầu làm Phó giám đốc quỹ này hồi tháng 5.2014.
Nhiều người còn biết ông là con trai ông Huỳnh Minh Chắc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy. Ông Chắc đã làm đơn xin thôi chức Bí thư, nghỉ trước tuổi hồi tháng 7 vừa rồi. Đến tháng 10, đơn của ông Chắc được Bộ Chính trị chấp thuận. Ông đã nhận quyết định thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy nhưng hiện ông vẫn là Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Hậu Giang.
Một nhân vật khác từng thu hút sự chú ý của dư luận là ông Nguyễn Minh Triết. Ông sinh năm 1990, là con trai út của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, từng tốt nghiệp thạc sĩ tại Anh quốc.
Ông Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bình Định, được coi là tỉnh ủy viên trẻ nhất nước khi mới 25 tuổi
Ông Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bình Định, được coi là tỉnh ủy viên trẻ nhất nước khi mới 25 tuổi
Cuối tháng 6.2014, khi mới 24 tuổi, đang giữ chức vụ Phó ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ – phát triển sinh viên Việt Nam, ông Triết được Ban Bí thư Trung ương Đoàn cử về làm Phó bí thư Tỉnh đoàn Bình Định nhiệm kỳ 2013-2017 theo chương trình đưa cán bộ đi đào tạo thực tế tại cơ sở.

Sau đó, ông Triết đảm nhiệm chức Bí thư Tỉnh đoàn Bình Định. Tháng 12.2014, ông Triết được Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2010-2015.
Sáng 16.10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định đã công bố danh sách 55 người trúng cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, ông Triết đã trúng cử vào Ban Chấp hành mới. Theo báo Vietnamnet, ông Triết là người trẻ tuổi nhất trúng cử.
Ông Triết có anh trai là ông Nguyễn Thanh Nghị, 39 tuổi, tiến sĩ khoa học xây dựng, từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng, hiện là Phó bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang. Ông Nghị vừa được bầu vào cương vị mới quan trọng hơn, là Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang trong phiên họp Ban Chấp hành tối 16.10. Như vậy hai anh em ông Nghị-ông Triết, tức hai con trai của thủ tướng kỳ này đều đắc cử.
Vài ngày trước đó, một trong những nhân vật tạo ra sự chú ý đặc biệt cho báo giới và dư luận là ông Lê Phước Hoài Bảo, 30 tuổi (sinh năm 1985), Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Quảng Nam trúng vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2015-2020. Ông Bảo là con trai của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh. Ông Bảo tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng, chuyên ngành Tài chính tín dụng. Từ tháng 8.2010 đến tháng 8.2012 ông Bảo được cử đi học thạc sĩ chuyên ngành Quản trị tài chính và chiến lược tại trường Claremont Graduate University, Mỹ. Ông từng giữ chức Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư của Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, sau đó tháng 3.2014 được bầu làm Phó chủ tịch UBND huyện Thăng Bình.
Sau đó, ông Triết đảm nhiệm chức Bí thư Tỉnh đoàn Bình Định. Tháng 12.2014, ông Triết được Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2010-2015. Sáng 16.10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định đã công bố danh sách 55 người trúng cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, ông Triết đã trúng cử vào Ban Chấp hành mới. Theo báo Vietnamnet, ông Triết là người trẻ tuổi nhất trúng cử. Ông Triết có anh trai là ông Nguyễn Thanh Nghị, 39 tuổi, tiến sĩ khoa học xây dựng, từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng, hiện là Phó bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang. Ông Nghị vừa được bầu vào cương vị mới quan trọng hơn, là Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang trong phiên họp Ban Chấp hành tối 16.10. Như vậy hai anh em ông Nghị-ông Triết, tức hai con trai của thủ tướng kỳ này đều đắc cử. Vài ngày trước đó, một trong những nhân vật tạo ra sự chú ý đặc biệt cho báo giới và dư luận là ông Lê Phước Hoài Bảo, 30 tuổi (sinh năm 1985), Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Quảng Nam trúng vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2015-2020. Ông Bảo là con trai của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh. Ông Bảo tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng, chuyên ngành Tài chính tín dụng. Từ tháng 8.2010 đến tháng 8.2012 ông Bảo được cử đi học thạc sĩ chuyên ngành Quản trị tài chính và chiến lược tại trường Claremont Graduate University, Mỹ. Ông từng giữ chức Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư của Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, sau đó tháng 3.2014 được bầu làm Phó chủ tịch UBND huyện Thăng Bình.
Hồi tháng 7, ông Lê Phước Thanh từng gây xôn xao dư luận khi làm đơn gửi Bộ Chính trị xin thôi chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam mặc dù chưa hết nhiệm kỳ, đề nghị cho nghỉ hưu sớm bởi lý do sức khỏe. Đến đầu tháng 9, Bộ Chính trị đã chuẩn y đơn của ông Thanh.
Tại TP.HCM, một đô thị đặc biệt sôi động, đứng hàng đầu cả nước về nhiều mặt, trong đó có cả việc mạnh dạn cất nhắc sử dụng những người trẻ, thì người trẻ luôn có chỗ đứng và cơ hội phát triển. Chắc không mấy ai quên, hồi tháng 8 vừa qua, Thành ủy TP.HCM đã điều động nhân sự về làm lãnh đạo một số quận huyện, trong số đó có nhân vật đặc biệt: ông Lê Trương Hải Hiếu.
 Nói đặc biệt là bởi ông Hiếu là con trai đương kim Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải. Nhưng đặc biệt hơn bởi ông mới 34 tuổi, từng giữ các chức vụ quan trọng: Bí thư Đảng ủy phường Bến Thành (phường trọng điểm của thành phố), Phó chủ tịch UBND quận 1 (quận trọng điểm), lần này thì được điều động giữ chức Phó bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận 12. Tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ 10, nhiệm kỳ 2015-2020 đang diễn ra, dư luận nhận xét rằng ông Hiếu thuộc lớp cán bộ lãnh đạo trẻ mà thành phố đang đặt nhiều hy vọng. Tuy nhiên, lần này, có lẽ vì lý do tế nhị nên ông Hiếu không có tên trong Ban Chấp hành Đảng bộ cái thành phố mà chính cha ông đang làm Bí thư.
Các “thái tử đảng” (theo cách gọi của nhà báo Trương Duy Nhất) đã tạo nên hội chứng tuổi 30, đủ cả khen chê, lời ra tiếng vào. Tuy nhiên, chưa bao giờ người ta lại lẩm nhẩm câu “Con vua thì lại làm vua/Con sãi ở chùa lại quét lá đa” nhiều như lúc này.
Nguyễn Thông (blog Thongcao)
( http://www.danchimviet.info/archives/98734/duoc-mua-con-ong-chau-cha/2015/10)