Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016

Liệu Việt Nam có thể tự cải cách?[2]


Tiếp theo phần 1
pobrane

Phần Hai – Thay đổi là tất yếu
Chủ nghĩa cộng sản không tồn tại
Đảng cộng sản nói chung và đảng cộng sản Việt Nam nói riêng tất yếu phải thay đổi hoặc tiêu vong, nếu thực sự cái mục tiêu lý tưởng mà nó theo đuổi là xã hội cộng sản chủ nghĩa chỉ là một ảo ảnh không có thực.
Để hiểu Chủ nghĩa cộng sản có thực tồn tại hay không, trước hết phải xem chủ nghĩa cộng sản là gì. Đây là vấn đề có tính lý thuyết lớn, đụng tới lý do ra đời và tồn tại cuả cả một phong trào cách mạng thế giới, trong lịch sử đã có lúc là một nửa nhân loại. Với phạm vi một bài báo, chúng ta sẽ chỉ xem xét nó trên một vài đặc trưng và cố gắng diễn giải nó một cách ngắn gọn.
Theo Mác, Ănghen và sau này được Lênin tiếp tục phát triển, chủ nghĩa cộng sản, hay xã hội cộng sản là giai đoạn phát triển cuối cùng trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, là giai đoạn tiếp theo của sự phát triển tột bậc của chủ nghĩa tư bản.
Vì là giai đoạn tiếp theo giai đoạn phát triển tột bậc của chủ nhĩa tư bản, nên chủ nghĩa cộng sản thừa hưởng nền đại sản xuất công nghiệp đạt tới một năng suất lao động đủ cao để đảm bảo “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”.
Khi đạt tới mức phát triển tột cùng, khi mà của cải xã hội dã dồi dào tới mức vượt xa nhu cầu, chủ nghĩa tư bản sẽ tự chuyển hóa thành xã hội cộng sản, hoặc sẽ bị tiêu diệt theo một cách khác, mâu thuẫn giữa chủ sở hữu tư nhân và lực lượng lao động vô sản, tại thời điểm này đã phát triển tới cực điểm, dẫn đến cuộc cách mạng vô sản lật đổ tiêu diệt chính quyền của chủ nghĩa tư bản, thiết lập nên xã hội cộng sản chủ nghĩa, là một xã hội không còn sở hữu, sản phẩm không còn tính hàng hóa, không thị trường, không tiền tệ, không nhà nước, không cảnh sát, không quân đội, không pháp luật, không tòa án.
Xét về mục tiêu, xã hội cộng sản là một xã hội mang tính nhân đạo, tất cả là của chung, tất cả đều miễn phí, không còn bóc lột, không còn khác biệt hưởng thụ, không có chiến tranh, không có mâu thuẫn đối kháng, không có cưỡng bức, tất cả là tự nguyện, là đồng thuận…
Nhưng mô hình tổ chức của nó, cơ chế vận hành của nó được xây dựng một cách tưởng tượng trên các căn cứ không tưởng, vô định, phản bội lại chính những nguyên lý của biện chứng lịch sử, một trong ba trụ cột của học thuyết Mác-xit.
1- Duy vật biện chứng Mácxít nói, thế giới là sự thống nhất của các mặt đối lập. Các mặt đối lập xung đột, đấu tranh giành giật,tiến tới thủ tiêu lẫn nhau. Đó là động lực của phát triển, của tiến hóa. Ở xã hội cộng sản không còn tồn tại mâu thuẫn đối kháng, nghĩa là không còn động lực phát triển, tất cả đều dừng lại. Xã hội sẽ đông cứng như trạng thái chết nhiệt vũ trụ. Bản thân xã hội sẽ hết năng lượng và tự sụp đổ vào trong như một ngôi sao chết, một lỗ đen.
2- Quy tắc làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu là một quy tắc không tưởng, vì nhu cầu không có giới hạn, và không có điểm dừng. Cầu sinh ra cung, nhưng cung lại sinh tiếp ra cầu, để lại sinh ra cung mới, rồi cung mới lại đẻ ra nhu cầu mới, một loại phản ứng dây chuyền nhiệt hạch, cứ thế tới vô cùng. Tại một thời điểm nhất định sau một chu trình sản xuất nhất định, cho dù năng suất lao động cao bao nhiêu, số lượng của cải tạo ra cũng là một con số cố định, ít nhất trong suốt thời gian của chu trình sản xuất tiếp theo, trong khi nhu cầu của mỗi con người, nhu cầu tổng thể của cả hệ thống xã hội là động và vô hạn, mâu thuẫn này tất yếu làm xã hội tan vỡ.
3- Xã hội không sở hữu cũng là một quy tắc phản biện chứng. Sở hữu là thuộc tính tạo hóa của con người. Một trong những khái nệm có ý thức đầu tiên, khi bắt đầu tách khỏi giới động vật trong quá trình tiến hóa của loài người là khái niệm sở hữu. Các nhà nhân chủng học đã chứng minh từ “cuả tôi” là một trong những từ đầu tiên của con người khi hình thành tiếng nói. Không ai có thể hình dung một xã hội mà trong đó không còn tồn tại khái niệm “của tôi”, “của anh”. Mọi loại quan hệ sẽ rối loạn, đổ vỡ.
4- Thủ tiêu sở hữu để từ đó thủ tiêu giai cấp chỉ thực hiện được đối với các tư liệu vật chất hữu hình, thông qua công hữu hóa hoặc quốc hữu hóa bằng quyền lực chuyên chính, nhưng khi tư liệu sản xuất chủ yếu cuả xã hội là tri thức, là sản phẩm trí tuệ là loại tư liệu phi vật chất và vô hình, thì Nhà nước bất lực. Tư liệu sản xuất của nền kinh tế tri thức không thể quốc hữu hóa, công hữu hóa. Sở hữu trí tuệ là sở hữu tạo hóa. Chỉ có đấng Tạo hóa mới có quyền lực đối với nó. Vì vậy mà sản phẩm hàng hóa của nền kinh tế tri thức là sở hữu tư nhân bất khả tước đoạt. Mô hình xã hội cộng sản buộc phải phá sản. Điều này phản ánh tư duy chết cứng của cả Mác và Lênin. Trong tiềm thức của các ông, kinh tế hàng hóa của chủ nghĩa tư bản chỉ và chỉ có từ nền sản xuất đại công nghiệp. Các ông không thể hình dung rằng, chỉ sau hơn một thế kỷ, nền kinh tế sản xuất công nghiệp chỉ còn chiếm khoảng 25%-30%, kinh tế tri thức và dịch vụ đã chiếm 65%-75% tổng GDP ở các nước công nghiệp phát triển, và có xu hướng chắc chắn tăng nhiều hơn nữa. Xã hội cộng sản liệu có hiện thực khi chỉ công hữu hóa được không quá 30% sản phẩm xã hội?.
Như vậy, xã hội cộng sản chủ nghĩa không thể có thực. Nó chỉ như một thứ chuyện cổ tích thần thọai phản ánh ước nguyện cuả con người ở tình trạng bất lực.
Carl Marx là người phá hoại và kéo lùi lịch sử.
Luận điểm cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác là luận điểm mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất có tính chất xã hội hóa ngày càng cao với quan hệ sản xuất dựa trên sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa đối với tư liệu sản xuất, dẫn đến sự kìm hãm của sức sản xuất. Mâu thuẫn tích tụ giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản tất yếu dẫn đến cuộc cách mạng bạo lực, lật đổ chính quyền của chủ nghĩa tư bản. Theo Mác, đó chính là là động lực cơ bản của phát triển.
Luận điểm này sai, rất sai, sai một cách cơ bản. Bản chất thuộc tính tự nhiên của hoạt động loài người là tìm kiếm lợi ích. Bản chất của hoạt động kinh tế là lợi nhuận. Chính lợi ích và sau này là lợi nhuận mới là động lực tự nhiên của phát triển.
Trong suốt chiều dài tiến hóa của xã hội loài người, bất kể biểu hiện bên ngoài dưới hình thái kinh tế-xã hội nào, cốt lõi xuyên suốt vẫn luôn là tìm kiếm, theo đuổi lợi nhuận, dưới vô số hình thức khác nhau. Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất theo cách gọi của Mác là mâu thuẫn giữa người lao động và chủ sở hữu lao động, chỉ là mâu thuẫn trong phân chia sản phẩm, phân chia kết quả hay chính xác là phân chia lợi nhuận thu được từ quá trình sản xuất. Mâu thuẫn giữa lao động và chủ sở hữu luôn tồn tại, nhưng không phải là mâu thuẫn đối kháng theo quan điểm của Mác, vì cả hai đều có lợi ích gắn với kết qủa cuối cùng của sản xuất, tức là gắn với lợi nhuận cuối cùng, ngôn ngữ kinh tế hiện đại goị là lợi nhuận ròng. Nếu phân chia thiên quá về phía chủ, người lao động bị tước đoạt bất công sẽ không còn động cơ tăng năng suất, nghĩa là giảm lợi nhuận cuối cùng. Nhưng nếu phân chia thiên quá về phía người lao động, lợi nhuận cuối cùng giảm làm mất khả năng tái đầu tư mở rộng, sản xuất không phát triển, sinh ra thất nghiệp, giảm trực tiếp tới thu nhập của người lao động và trật tự xã hội.
Vì vậy, Phân chia thụ hưởng hợp lý trên nguyên tắc đảm bảo tối ưu lợi nhuận cuối cùng là luận điểm có ý nghĩa cách mạng căn bản.
Học thuyết sai lầm về mâu thuẫn của Mác đã chia thế giới, chia xã hội loài người thành hai phe đối kháng có nhu cầu phủ định, tiêu diệt lẫn nhau, chính là nguồn gốc của chiến tranh, cuả phân hóa và hận thù. Ông còn nói, “Lịch sử phát tiển của xã hội loài người là lịch sử đấu tranh giai cấp”. Có thể suy ra rằng theo ông, Chiến tranh là tất yếu, hay chiến tranh cũng là động lực của tiến hóa. Về mặt nào đó, chủ nghĩa Mác là nguyên nhân gây xáo trộn trật tự thế giới, phá huỷ nền tảng vật chất và làm chậm tiến trình phát triển của xã hội loài người. Sau khi ông “đi”, thế giới chứng kiến hai cuộc chiến tranh chưa từng có trước đó, và suốt 80 năm, thế giới bị chia thành hai nửa đối kháng nhau, mâu thuẫn với nhau, để tích tụ dần cho “đủ lượng” để “biến đổi về chất”, thành cuộc chiến thứ ba, tiêu huỷ hoàn toàn sự sống trên mặt Địa cầu.
Có thể tin được một thứ chủ nghĩa như vậy không?
Luận điểm về Nhà nước của chủ nghĩa Mác Lênin là một sai lầm.
Theo phương pháp luận của cả Marx và Lênin, Nhà nước là sản phẩm của xã hội có giai cấp. Khi tồn tại phương thức sản xuất bóc lột nó bảo vệ lợi ích giai cấp bóc lột, khi xóa bỏ giai cấp và tư hữu, thì Nhà nước tự diệt vong. Nhà nước vô sản là công cụ chuyên chính của giai cấp vô sản để trấn áp mọi sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản và củng cố thành quả của cách mạng vô sản. Vì vậy Nhà nước đương nhiên phải có tính giai cấp. Trong xã hội do một đảng chính trị cầm quyền, nhà nước phải có tính đảng, phải là công cụ của đảng, có chức năng bảo vệ đảng và chính quyền của đảng.
Đây là luận điểm không đúng. Khi biến thành công cụ trong tay một giai cấp, Nhà nước tự nó đã không còn tính chính danh nữa, vì bản chất của nhà nước là Trung tính.
Khi xã hội nguyên thủy phát triển tập trung dần thành cộng đồng, những va chạm dân sự, những xung đột lợi ích trở nên phổ biến và phức tạp tới mức không thể tự thương lượng, dẫn tới nhu cầu phân xử thông qua một trọng tài trung gian. Trọng tài ban đầu chỉ là một cá nhân có uy tín được cả các bên xung đột chấp nhận và cam kết tuân thủ phán xử. Đó là quyền lực hợp thức của trọng tài. Chỉ cần một trong các bên xung đột, tranh chấp không thừa nhận, vai trò trọng tài và phán xét không còn giá trị hiệu lực. Cùng với sự phát triển xã hội, quy mô xung đột, tính chất xung đột lớn và phức tạp dần đòi hỏi trọng tài có quy mô tăng dần từ vài người thành một nhóm, rồi trở thành một tổ chức, một cơ quan chuyên nghiệp, tách ra khỏi sinh họat của số đông còn lại. Đây là hình thức ban đầu của nhà nước với chức năng nguyên thuỷ là trọng tài phân xử và hoà giải các xung đột trong xã hội. Ở Trung Quốc tới tận thế kỷ thứ ba sau công nguyên (nhà Hán năm 220- 280), công việc cuả một quan tri huyện vẫn chỉ duy nhất là việc xử các vụ kiện cáo trong dân. Quyền lực của nhà nước dựa trên uy tín chính trị và sự uỷ thừa quyền trực tiếp của dân chúng.
Cùng với sự phát triển và hoàn thiện dần của tiến hóa xã hội, nhà nước trở thành bộ máy quản trị kinh tế hành chính, nhưng chức năng chính của nó vẫn là trung gian điều phối, hoà giải các xung đột kinh tế và dân sự. Điều phối và hoà giải trong lĩnh vực kinh tế chính là điều hoà các xung đột xảy ra giữa các tác nhân kinh tế, trên nguyên tắc hợp lý và đảm bảo lợi ích bao trùm của tổng thể cộng đồng, nghĩa là trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích của các bên xung đột trên nguyên tắc kiến tạo tăng trưởng và phát triển ổn định. Điều phối và hoà giải các xung đột dân sự chính là đảm bảo an toàn, đạo đức, kỷ cương và trật tự xã hội.
Như vậy Nhà nước luôn là và phải luôn là một cơ quan trung tính, chuyên nghiệp và phi chính trị. Trong xã hội dân chủ hiện đại, khi chính quyền nhà nước có thể luân chuyển qua tay các chính thể khác nhau, luân phiên nắm giữ, tuỳ thuộc kết quả bầu cử, bộ máy nhà nước vẫn không thay đổi chức năng và xáo trộn về kết cấu.
Nhà nước có tính giai cấp và mang tính đảng theo tư tưởng Lênin, sử dụng công cụ bạo lực chuyên chính để trấn áp các đối kháng chính trị, các khác biệt tư tưởng là một nhà nước cai trị, đối lập lợi ích với số đông bị trị, là nhà nước phản tiến bộ.
Quá độ là gì
Quá độ là chuyển tiếp. Theo các tài liệu lý luận của đảng thì Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là thời kỳ chuyển tiếp từ một hình thức xã hội trước xã hội chủ nghĩa, có thể là chế độ sơ khai tư bản chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa phát triển, nhằm hoàn thiện những điều kiện cuối cùng để đi lên xã hội chủ nghĩa.
Định nghĩa này cho thấy, khi chấp nhận kinh tế thị trường, không phải đảng cộng sản thừa nhận tính ưu việt của chủ nghĩa tư bản, mà chỉ lợi dụng sự năng động và tính hiệu qủa của kinh tế thị trường để tạo dựng gấp rút nền móng hạ tầng kỹ thuật cho nền sản xuất công nghiệp hiện đại cần cho qúa trình xây dựng chủ nghĩa xã hội trong tương lai.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ 1991 ghi “Đây là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen”. Đây là một luận đề nhằm chính danh hóa chủ trương chấp nhận hình thức kinh tế tư bản trong một thời gian nhất định, hòng cứu vãn nguy cơ sụp đổ, nhưng “vẫn kiên định mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa”.
Nội dung của thời kỳ quá độ được ghi trong cương lĩnh 1991 là Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nói có lẽ phải đến giữa thế kỷ này mới kết thúc giai đoạn qúa độ.
Như vậy, nội dung của thời kỳ quá độ gói gọn lại là xây dựng nền công nghiệp hiện đại bằng sức mạnh của kinh tế thị trường. Nhưng nền công nghiệp hiện đại bao gồm những gì, chưa có ai trong lãnh đạo đảng nói ra, chưa ở đâu, chưa nơi nào, chưa tài liệu nào đề cập.
Như vậy, đến giữa thế kỷ này, nghĩa là bắt đầu vào khoảng 35 năm nữa, giai đoạn quá độ sẽ kết thúc, cơ sở kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội đã hình thành, thị trường cùng với kinh tế tư nhân tư bản chủ nghĩa bắt đầu hết vai trò, bắt đầu quay lại là kẻ thù của cách mạng, sẽ dần dần phải biến mất. Một chiến dịch tước đoạt dưới danh nghĩa công hữu hóa sẽ lại được chuẩn bị. Tất cả các loại hình kinh tế ngoài nhà nước, bất kể là kinh tế tư nhân tự sản tự tiêu, bất kể là kinh tế gia đình, bất kể là doanh nghiệp cá thể hay cổ phần, bất kể tiểu chủ hay tiểu thương, buôn bán nhỏ hay đại gia tập đoàn tư nhân, tất cả sẽ lần lượt bị nhà nước ép giá mua lại, hoặc bằng công tư hợp doanh, bằng sáp nhập liên doanh, bằng quốc hữu hóa, bằng trưng thu, trưng mua, thậm chí bằng cả tịch biên v.v… sẽ chỉ còn kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể do nhà nước chỉ đạo quản lý là tồn tại. Sẽ là cuộc cách mạng vô sản lần nữa. Và sẽ lặp lại lần nữa một cuộc thảm sát kinh hoàng, một thảm họa.
Đó có thể chỉ là một kịch bản tưởng tượng. Nhưng cũng rất có thể nó đã có sẵn trong đầu các uỷ viên bộ chính trị, nhất là trong đầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chủ bút của Cương lĩnh 2011, bổ sung và phát triển cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Ông là người chỉ ra đến giữa thế kỷ này phải xong giai đoạn quá độ và cũng là người mong muốn đến cuối thế kỷ này sẽ có xã hội chủ nghĩa hoàn thiện trên đất Việt Nam, chắc chắn trong đầu ông đã hình thành một kế hoạch nào đó.
Ông Trọng ạ, đừng, đừng làm cái điều tôi đã tưởng tượng ra trong cơn hoảng loạn trên kia, tôi xin ông. Tôi hiểu ông có một niềm tin sắt đá vào sự tốt đẹp một xã hội cộng sản. Khoan hãy quy tội đó là một niềm tin mù quáng. Hãy nghĩ rằng chính niềm tin sắt đá đó chứng minh ông là một người lương thiện và có lòng phục thiện. Chỉ xin ông đừng để cho cái sắt đá trong đầu ông biến trái tim ông thành gỗ đá vô cảm.
Hơn tám mươi năm các ông cầm quyền, nước Việt Nam đi qua ba cuộc chiến tranh, 9 năm chống Pháp, 10 năm chống Mỹ, 3 năm trực tiếp nồi da nấu thịt, cốt nhục tương tàn, một cuộc cải cách ruộng đất, hai lần đổi tiền, gần 10 năm hợp tác hóa, hai lần cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Ông hãy thử hình dung. Có bao nhiêu đồng bào của ông bị chết tan xương nát thịt vì bom đạn. Có bao nhiêu chàng trai, cô gái ngây thơ, vô tội bị chôn vùi trên mọi ngóc ngách, mọi nẻo đường của đất nước mà không hiểu vì sao, cho cái gì. Có bao gia đình tan nát, cha mất con, vợ mất chồng, anh em ly tán, loạn lạc trên hai tuyến đối đầu gí súng vào đầu nhau mà bắn. Có bao nhiêu cuộc đời tới hai lần chạy trốn các ông, bốn chục năm tha hương vẫn chưa có đường về. Có bao nhiêu người gửi thân dưới đáy biển mênh mông. Có bao nhiêu mồ hôi nước mắt bị các ông tước đoạt. Bao nhiêu mồ mả bị các ông đào xới…Có bao nhiêu oan hồn còn không có nơi trôi dạt…
Đừng, đừng một lần nữa lại làm ra cuộc thảm sát. Với tất cả danh dự của một con người, tôi cầu xin ông. Cũng như tôi, như tất cả, rồi các ông cũng sẽ phải ra đi, hãy để lại chút ít phúc đức cho con cháu các ông. Và hãy cầu mong khi xuôi tay, chúng ta đều có thể bình an nhắm mắt.
***
(phần hai còn tiếp)
© Bùi Quang Vơm
© Đàn Chim Việt